CÁCH XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ KHÁCH THỂ NGHIÊN CỨU
CÁCH XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ KHÁCH THỂ NGHIÊN CỨU
Trước khi bắt tay vào làm một bài Tiểu luận, NCKH, KLTN hay thậm chí một bài Luận văn Thạc sĩ, đề tài các cấp, nhà nghiên cứu cần phải phân tích đề tài, hoàn thiện đề cương nghiên cứu. Trong các nội dung đề cương nghiên cứu hoặc kết quả của quá trình phân tích đề tài là phải xác định được đối tượng và khách thể nghiên cứu. Điều này cực kỳ quan trọng vì:
- Đối tượng nghiên cứu chính là “thứ” chúng ta xem xét, quan tâm, tìm hiểu mọi thông tin về nó từ cơ sở lý thuyết cho tới thực trạng, thậm chí có kiến nghị cũng hướng tới nó. Đối tượng này được xem xét làm trục thông tin xuyên suốt các chương.
- Khách thể nghiên cứu có quan hệ mật thiết với đối tượng nghiên cứu nhưng không phải là đối tượng nghiên cứu, nhà nghiên cứu không tập trung sự chú ý, tìm tòi thông tin, khảo sát, làm rõ …khách thể mà đôi khi chỉ có thể thông qua khách thể làm rõ các câu hỏi để thu thập thông tin về đối tượng nghiên cứu. Theo Giáo sư Vũ Cao Đàm (2008), khách thể nghiên cứu là vật mang/chứa đối tượng nghiên cứu, khách thể nghiên cứu có thể là:
- Một không gian - “Xanh hoá các giải cồn cát ven biển miền Trung”
- Một khu vực hành chính - “Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước ở Hà Nội”.
- Một quá trình - “Áp dụng phương pháp học tập theo kiểu nghiên cứu khoa học ở bậc đại học” - “Quả trình học tập của sinh viên”.
- Một hoạt động - “Khắc phục rào cản giữa cha mẹ và con cái trong truyền thông về chủ đề giáo dục sức khoẻ sinh sản” - “hoạt động truyền thông”.
- Một cộng đồng - “Sử dụng thời gian rảnh rỗi của sinh viên” - “sinh viên các trường đại học”
Tuy nhiên, trong thực tế nhiều bạn sinh viên khi làm phần Mở đầu bài nghiên cứu của mình vấn chưa xác định chính xác được đâu là đối tượng, khách thể nghiên cứu. Điều này khiến các bạn bị “hoang mang”, “mông lung” không biết tập trung nghiên cứu vào đâu, thiết kế bố cục nghiên cứu sai lệch dẫn tới mất trọng tâm nghiên cứu.
Xét một vài ví dụ sau:
Ví dụ 1.
Với tên đề tài “Phân tích hoạt động phục vụ món ăn Nhật kiểu ALACARTE tại nhà hàng SUSHI HOKKAIDO SAHCHI”.
Ở ví dụ này các bạn có thể thấy tác giả bài viết này xác định đối tượng nghiên cứu là các khách hàng nhưng thực tế hoàn toàn không chính xác. Đối tượng nghiên cứu/cần xem xét ở đây chính là “hoạt động phục vụ món ăn” nghe có vẻ đây là các thuật ngữ chuyên môn của lĩnh vực nhà hàng. Các vị khách tới nhà hàng có thể là đối tượng để chúng ta thu thập thông tin, đánh giá 1 góc độ nào đó về hoạt động phục vụ. Nhưng tuyệt đối họ không phải đối tượng nghiên cứu, xem xét của đề tài. Khách thể của đề tài này có thể là một kiểu ăn uống “kiểu ALACARTE” đặc trưng của Nhật bản.
Ví dụ 2.
Với đề tài “Đối tượng nghiên cứu: Thực trạng đi làm thêm của sinh viên khoa Quản trị văn phòng trường Đại học Nội Vụ Hà Nội.
Với ví dụ số 2, tác giả bài này tiếp tục xác định không chính xác đối tượng và khách thể nghiên cứu. Tác giả viết y nguyên tên của đề tài vào phần đối tượng nghiên cứu - như vậy hoàn toàn không chính xác. Có lẽ, đây cũng là thực trạng của nhiều bạn sinh viên khi không phân tách được chính xác đối tượng và khách thể nghiên cứu trong đề tài.
Với đề tài ở ví dụ số 2, đối tượng cần nghiên cứu, xem xét, đánh giá…/đối tượng nghiên cứu chính là “thực trạng đi làm thêm” “việc đi làm thêm” “hoạt động đi làm thêm” “vấn đề đi làm thêm”; còn khách thể chính là “một cộng đồng” các bạn sinh viên khoa Quản trị văn phòng…
Có hàng ngàn các ví dụ tương tự về việc xác định sai đối tượng nghiên cứu nhưng duy nhất có 1 kết quả cho các bạn này đó là lệch trọng tâm nghiên cứu, lệch bố cục bài, mất phương hướng nghiên cứu và nhận điểm thấp.
Việc giúp các bạn sinh viên hiểu rõ 12/12 mục (trong đó có xác định đối tượng và phạm vi nghiên cứu) trong phần Mở đầu 1 bài Tiểu luận, NCKH, KLTN, Luận văn chỉ là 1/15 Nội dung lớn trong Khoá training viết Tiểu luận, NCKH, KLTN của chúng tôi. Ngoài ra, sau khi học bạn còn được giảng viên xem và nhận xét bài trước khi nộp để đảm bảo bài của bạn ổn.
Chúc các bạn làm bài thật tốt! Nếu có thắc mắc gì bạn đừng ngại liên hệ với mình nhé.
Hãy gọi tớ là Studentcare nhé.