HỎI ĐÁP VỀ CHECK ĐẠO VĂN - TURNITIN

TỔNG HỢP HỎI ĐÁP VỀ CHECK ĐẠO VĂN

1. SV: Em chưa hiểu bản chất của phần mềm check đạo văn là gì? Dùng để làm vì và nó hoạt động như thế nào?

Bản chất của phần mềm này là giúp chỉ ra các phần nội dung bài (dạng chữ, số liệu…) có trong bài em có trùng lặp với các nội dung đã được công bố trong các công trình, tài liệu, nguồn thông tin (bài viết trên các website) trước đó. Nó so sánh nội dung bài của em với các dữ liệu trong kho bigdata của nó. Chính vì thế nếu nguồn dữ liệu của phần mềm càng lớn thì bài của em có thể có tỷ lệ trùng lặp càng cao. Bên cạnh đó, nếu vì một lý do nào đó em copy, tải nguyên xi công bố trước đó làm bài của mình hoặc em đã từng đưa bài của mình lên hệ thống dữ liệu của phần mềm thì bài của em sẽ có tỷ lệ trùng lặp cực lớn tầm hơn 90% (còn tuỳ). Hơn nữa, bài em check vào các thời điểm khác nhau có thể mang lại các kết quả trùng lặp khác nhau do nguồn dữ liệu trên hệ thống là không cố định.

2. Em chưa hiểu cơ chế hoạt động, sử dụng phần mềm check đạo văn Turnitin ạ.

- Cơ chế hoạt động của phần mềm check đạo văn Turnitin đó chính là so sánh nội dung bài em với các bài trên hệ thống dữ liệu khổng lồ trên toàn thế giới mà nó có, sau đó chỉ ra các nguồn trùng lặp bằng cách bôi màu vào các chữ, câu, đoạn văn trong bài của bạn và chỉ ra đường dẫn tới từng nguồn đó, cùng với đó là tổng số tỷ lệ phần trăm bài bạn trùng lặp với các nguồn trên hệ thống.

- Cách sử dụng phần mềm đó là bạn tải file dữ liệu - bài của bạn lên hệ thống qua tài khoản được cấp (nhớ là môi ô nộp bài chúng ta chỉ được nộp tối đa 4 lần). Sau khi up xong file bạn chờ một  vài phút hoặc ấn f5 hoặc refresh đường link phần mềm để cập nhật nhanh hơn. Sau khi phần mềm chỉ ra chỉ số trùng lặp bạn có thể cài đặt thêm các tiêu chí khi chạy (tuyệt đối theo quy định của nhà trường/cô giáo chứ không tự ý điều chỉnh theo ý mình).

Hình 1. Giao diện khi click và bộ lọc phần mềm Turnitin

Các bạn có thể được lọc với 4 tiêu chí sau: 1. Loại bỏ nguồn trích dẫn - nguồn trích trực tiếp trong ngoặc kép; 2. Loại trừ Mục lục Tham khảo (trong bài bạn nên thay tên “Mục lục tham khảo/References/Bibliography” để phần mềm dễ nhận diện và loại khi check. 3. Loại trừ với các nguồn trùng có ít hơn 1 lượng từ nhất  định (20-50-100…từ); 4. Loại nguồn trùng có ít hơn 1% (chúng có thể tương đương với 1lượng từ nhất định tuỳ bài. Chính vì vậy, bạn không thể chọn đồng thời là vừa miễn số lượng từ, vừa miễn tỷ lệ % trong cùng 1 bài.

3.SV: Tại sao bài do em viết tay, không hề có copy paste tại sao vẫn bị báo đạo văn?

GV: Đầu tiên ta phải hiểu chỉ số mà các em nhìn thấy 30 hay 40% đó là chỉ số trùng lặp, không phải đạo văn, để quy kết là đạo văn cần có thêm các minh chứng, dấu hiệu, căn cứ khác. Hai, em tự viết vẫn có thể trùng lặp bình thường vì em tự đánh máy chứ không có nghĩa em không đánh máy lại câu văn, lời văn, ý tưởng của người khác vì vốn dĩ kiến thức mà em biết đôi khi đến từ một nguồn nào đó mà e đã tham khảo hoặc đang tham khảo. Bên cạnh đó, ngay cả khi em không viết lại ý của người khác thì các câu từ e sử dụng trong bài vẫn hoàn toàn có thể trùng vì chủ đề em đang viết có những người khác đã viết và công bố trước đó. Ok.

4. SV: Tại sao bài em được miễn trích dẫn trong ngoặc kép mà khi em check phần mềm vẫn không loại trừ cho em?

GV: 1. Em cần phải xem lại ngay cách đánh ngoặc kép của mình nhé vì nhiều bạn đánh hời hợt, không đánh đúng kỹ thuật, thường đánh không sát phần chữ hoặc đánh dấu sau phần dấu chấm hết câu, điều này khiến phần mềm nhiều khi không nhận diện được. 2. Phần mềm Turnitin phải nói là không phải lúc nào nó cũng nhạy bén và chính xác nên nhiều khi bạn đánh hời hợt không đúng kỹ thuật nó cũng nhận ra và loại trừ nhưng nhiều khi cũng trường hợp đó nó lại bỏ qua và không miễn cho bạn. Nên, tốt hơn hết bạn nên học cách đánh đúng kỹ thuật.

Ví dụ: đánh đúng: “Đây là một ví dụ đúng về dấu ngoặc kép”

Đánh chưa đúng: “ Đây là một ví dụ chưa chính xác.” hoặc “đây cũng là một ví dụ chưa chính xác. “

5. SV: Tại sao em check ở trường có 14% trùng lặp mà em check chỗ thầy lại là 60% phần mềm nào sai ạ?

GV: Không có cái nào sai cả đơn giản là vì em không nắm rõ các quy định miễn trừ khi check mà thôi. Khi em check ở trường em xem mình được miễn những gì? Và khi em nhờ thầy check em có báo lại chính xác các tiêu chuẩn đó không? - thông thường các bạn sinh  viên không nắm được chỗ này. Vi dụ: khi em check ở trường em chọn loại trừ với nguồn trùng nhỏ hơn 2% trong khi check với thầy em lại báo là chỉ được miễn Mục lục tham khảo và trích dẫn trong ngoặc kép, và đó là một khoảng cách miễn trừ cực kỳ lớn mà bạn không hề biết.

Hình 2. Các miễn trừ trên phần mềm khi chạy check

Để biết chính xác bài mình check ở trường được miễn gì các em cần vào file pdf báo cáo tải về từ phần mềm trường, sau đó kéo xuống tận cùng bài đó sẽ thấy hình ảnh như sau:

Hình 3. Các dấu hiệu miễn trừ khi đã xuất file báo cáo bản full pdf

Như ảnh Số 2 là các dấu hiệu loại trừ mà bài em được áp dụng, như trên hình đây là không được miễn trừ gì cả nên nó ở chế độ OFF.

6. SV: Tại sao em check đạo văn mà trước khi em miễn check Mục lục tham khảo em bị trùng 40% mà khi em miễn Mục lục tham khảo em lại bị 41% ạ? Em tưởng được miễn nó phải giảm tỷ lệ chứ ạ?

GV: Nhiều bạn sinh viên nghĩ rằng việc được miễn check một số nội dung sẽ khiến cho bài mình có tỷ lệ trùng lặp giảm xuống, điều này không hoàn toàn đúng khi bạn được miễn mục lục tham khảo. Vì, khi bạn miễn check mục lục tham khảo thì bài của bạn về số lượng trang sẽ rút ngắn đi, lúc này về tổng phần trăm trùng lặp cơ bản không giảm vì việc trùng lặp không nằm nhiều ở Mục lục tham khảo, nhưng số trang lại rút ngắn đi - vô hình chung điều này khiến cho tỷ lệ trùng lặp bài bạn sẽ tăng lên - tăng không nhiều tầm 1-2 % tuỳ tính chất từng bài.

7. SV: Tại sao khi tham khảo nội dung trong bài em có trích nguồn rồi mà khi check bài em vẫn bị dính đạo văn ạ?

GV: Như trên mình có giải thích cho bạn, bài của bạn chỉ có thể được coi là đạo văn trong một số trường hợp, trong đó phổ biến nhất là tham khảo nhưng không trích nguồn hoặc có trích dẫn nguồn nhưng tỷ lệ trùng lặp vẫn vượt quá cho phép của cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, cơ chế quét của phần mềm check đạo văn đó là chỉ ra sự trùng lặp bài của bạn với cơ sở dữ liệu mà nó có nên dù bài của bạn có trích dẫn đầy đủ nguồn nhưng câu từ bạn không viết lại - trích dẫn gián tiếp thì tỷ lệ trùng lặp của  bạn vẫn rất cao, cộng với việc bài của em không được miễn phần trích dẫn - theo quy định của nhà trường nên khi quét bạn không được cài đặt miễn phần này trên phần mềm - khiến cho bài của bạn có tỷ lệ trùng lặp lớn, vượt qua tỷ lệ cho phép của nhà trường dẫn tới dính đạo văn (theo một trong hai cách đã nói trên - nên bạn không nên trích dẫn trực tiếp trong mọi trường hợp dù đã có trích nguồn tham khảo).

8. SV: Tại sao khi em xem báo cáo sau check đạo văn, rõ ràng nhiều nguồn mà phần mềm chỉ ra em không có tham khảo, trích dẫn mà nó vẫn báo trùng từ nguồn đó, vậy phần mềm có khi nào sai không ạ?

GV: Bạn lưu ý nhé, khi check bằng phần mềm Turnitin, phần mềm sẽ đối sánh nội dung bài bạn với rất nhiều bài khác trong kho dữ liệu của nó và các công bố trên website. Chính vì vậy, việc bài bạn bị đem đối sánh với các công bố cùng lĩnh vực/chủ đề trước đó là điều không thể tránh khỏi và việc bài của bạn bị báo trùng với một số nguồn mà bạn không hề biết, không hề trích dẫn cũng là điều dễ hiểu.

9. SV: Làm sao để em biết được bài mình có bị lưu trên hệ thống trước khi nộp về nhà trường ạ?

GV: Nếu bài của bạn đã bị lưu trên hệ thống thì khi bạn check kiểm tra lại thì  tỷ lệ trùng lặp tổng hợp sẽ rất lớn, thường là hơn 90% - có nghĩa là bài của bạn đang bị báo trùng lặp gần như tuyệt đối. Để chắc chắn hơn nữa, bạn nên mở file báo cáo nguồn trùng số 2 ra, ở đó bạn sẽ nhìn được chính xác hơn nguồn  trùng lớn nhất là bài nào? Tên bài, đường link và ngày nộp - qua các dữ liệu như vậy bạn sẽ nhận ra được chính xác là bài của mình đã nộp vào ngày đó, giờ đó và tên bài…Khi bị trùng như vậy thì bài của bạn sẽ khó được chấp nhận nộp về nhà trường vì nhiều lý do.

Chính vì vậy, khi check thử đạo văn bạn nên chọn nơi uy tín, có kinh nghiệm và sẵn sàng tư vấn cho bạn sửa trùng lặp đúng quy định và hiệu quả.

10. SV: Làm sao để em biết được người check bài em đã cố tình làm sai, qua mặt phần mềm Turnitin để đạt được tỷ lệ trùng lặp thấp ạ?

GV: Để đáp ứng được các yêu cầu của sinh viên như là Nhanh - Đúng tỷ lệ cho phép - Ăn sẵn như kiểu một món fastfood các cơ sở check đạo văn đã dùng các “thủ thuật” để can thiệp vào bài cho các bạn sinh viên nhằm qua mắt phần mềm check đạo văn.

Đa phần các dịch vụ này là các bạn sinh viên thuê/mua bài và có cam kết tỷ lệ trùng lặp vừa đủ, chính vì thế khi sự việc vỡ lở sinh viên thường là người “Tiền mất - Tật mang”. Để phòng tránh việc này, các bạn sinh viên không nên mua bài mà hãy tự làm, còn nếu các bạn thuê check và sửa tỷ lệ thì hãy dùng các cách sau để bảo vệ mình khỏi các chiêu trò của đơn vị đó nhé:

1. Khi nhận bài bạn nên bôi đen toàn bài sau đó chọn màu chữ là màu đen.

2. Bạn nhìn thật kỹ từ trên xuống dưới, các dòng, đoạn để xem bài mình có các ký tự lạ như ngoặc kép (“,,,”) hay các chữ “i” trèn giữ các từ, cụm từ…hay  không?

3. Các em mở báo cáo PDF ra xem các tiêu chí miễn check đã đúng với yêu của của nhà trường mình chưa?

4. Bọn em mở báo cáo PDF và xem từng đoạn văn của mình trong đó, có những đoạn mà sạch sẽ, không bị quyét 1 từ nào, một chữ hay cụm từ nào, hoặc ả 1 trang như vậy thì đó là sự khả nghi sau đó em nên quay lại bản Word của các đoạn, trang đó kiểm tra kỹ lại xem có ký tự gì đặc biết như trên hoặc có thể cho phần mềm viết hay không?

Áp dụng các cách nêu trên bạn có thể phát hiện những bất thường và yêu cầu sửa chữa lại, hoặc ít nhất không nộp về nhà trường các bài có các dấu hiệu bất thường trên vì có thể bạn sẽ phải nhận điểm 0 vì nhà trường nghĩ bạn cố tình làm sai.

11. SV: Làm sao để bài của em khi viết ra có tỷ lệ trùng lặp thấp nhất và không bị đạo văn?

GV: để có tỷ lệ trùng lặp thấp nhất bạn cần lưu ý hai vấn đề quan trọng:

1. Viết và trích dẫn như thế nào để không bị phần mềm quét ra sự trùng lặp  - thường trong một bài tỷ lệ trùng lặp nhiều nhất ở chương 1 - chương cơ sở lý luận, tổng quan nghiên cứu; một phần chương 2 - giới thiệu về cơ quan/tổ chức. Chính vì thế, khi viết các chương, phần này chúng ta không nên sử dụng phương pháp viết liệt kê - vì càng kê nhiều thì càng trùng nhiều, nên viết theo kiểu tổng quan thì sẽ hạn chế trùng lặp vì người viết trích gián tiếp có dẫn nguồn.

2. Bạn nên nắm rõ quy định của nhà trường về check đạo văn trước, xem nhà trường cho phép bạn được miễn gì khi check? điều này cực kỳ quan trọng, nó khác với việc bạn viết xong xuôi bài rồi - lúc này bài bạn đã trùng nhiều lắm rồi. Ví dụ: Nhà trường không cho phép bạn được miễn trừ trích dẫn trong ngoặc kép kể cả khi bạn trích dẫn đúng quy định - cái này đa phần nhà trường quy định  - nhưng vì không nắm rõ điều này mà bạn đã trích dẫn quá nhiều nội dung bằng trích dẫn trực tiếp - dù có trích nguồn những vẫn không được miễn - tỷ lệ trùng quá nhiều và phải sửa nhiều lần.

12. SV. Em có thể tìm quy định của cơ quan/nhà trường về check đạo văn ở đâu?

GV: Để nắm chắc quy định của nhà trường/giảng viên khi làm và check đạo văn các bạn có thể tìm đến 1 văn bản có thể có tên là “Quy chế nghiên cứu khoa học” hay “Quy chế quản lý khoa học” của nhà trường, hoặc các quy chế có liên quan đến Khoá luận tốt nghiệp hoặc các quy định của giảng viên bộ môn. Các bạn tuyệt đối không nên check đạo văn mà không nắm rõ các quy định này hoặc tự ý thêm, bỏ so với quy định vì nó làm ảnh hưởng tới kết quả của bài khi check.

Ngoài ra, nếu bạn trong trường hợp xấu nhất là không thể có thông tin như trên thầy đề cập thì hãy lựa chọn miễn thấp nhất khi check để đảm bảo bài có tỷ lệ phù hợp nhất đó là miễn duy nhất “Mục lục tham khảo” vì cơ bản nhà trường nào cũng có miễn phần này, còn các phần khác như “trích dẫn trong ngoặc kép” hay “loại nguồn có tỷ lệ trùng lặp thấp” thì không phổ biến nhiều.

SV. 13. Tại sao check lần trước một số nội dung chưa bị báo trùng, check lần sau một số lại bị dù tỷ lệ phần trăm không tăng?

GV: Các bạn lưu ý do kho lưu trữ của phần mêm Turnitin là kho “mở”  chính vì thế nó luôn được cập nhật dữ liệu mới từ các nguồn nộp khác nhau. Vì vậy, việc check một bài ở hai thời điểm khác nhau có thể sẽ có những khác nhau về sự trùng lặp.

Nguồn: Thayphongdang.

Bài viết cùng danh mục