CÁCH TRÌNH BÀI MỤC KHÁI NIỆM TRONG BÀI TIỂU LUẬN, NCKH

CÁCH TRÌNH BÀY KHÁI NIỆM TRONG MỘT BÀI TIỂU LUẬN, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC HAY KHOÁ LUẬN TỐT NGHIỆP.

Khái niệm là một nội dung quan trọng trong phần cơ sở lý luận của một bài luận, Nghiên cứu khoa học hay Khoá luận tốt nghiệp. Thông thường các tác giả sẽ trình bày khái niệm đầu tiên trong phần cơ sở lý luận - tại sao vậy? có bạn nào tự hỏi tại sao cứ phải trình bày khái niệm trong một bài nghiên cứu (nói chung) mà lại còn là phần đầu tiên? Ý nghĩa của việc trình bày khái niệm là gì? Tôi tin rằng nếu trả lời rành rọt các câu hỏi này các bạn sinh viên sẽ lờ mờ biết cách phải trình bày nó như thế nào. Trong bài viết này, với quan điểm cá nhân tôi sẽ chia sẻ về hai vấn đề như sau: 1. Chia sẻ về quan điểm của tôi về mấy câu hỏi trên; 2. Chia sẻ về cách trình một phần khái niệm theo tôi là “ổn” để các bạn tham khảo.

1. Với câu 2 hỏi đầu tiên, tại sao phải trình bày khái niệm? Tại sao trình bày nó tại vị trí đầu tiên trong phần cơ sở lý luận? Tôi xin chia sẻ quan điểm của mình như sau: khi bạn muốn nghiên cứu sâu về một vấn đề nào đó bạn cần làm rõ các thuật ngữ liên quan trực tiếp đến đề tài của mình trong đó có đối tượng, khách thể nghiên cứu của đề tài nghiên cứu. Nội dung của khái niệm bao gồm các nội hàm, ngoại diên của khái niệm. Chính vì thế, trước khi đi vào nghiên cứu các mối quan hệ của các đối tượng hoặc quan sát đối tượng trong thực tiễn thì cần xác định, “nhìn” rõ đối tượng đó, phân biệt được đối tượng trong trong vô vàn các đối tượng khác, nắm được nội hàm của nó. Từ lý giải trên cho thấy việc làm rõ các khái niệm có liên quan cần triển khai đầu triên trong phần cơ sở lý luận.

2. Vậy một khái niệm cần trình bày như thế nào là tốt theo tinh thần nêu trên? Để trả lời câu hỏi này trước tên tôi xin nêu ra mấy vấn đề mà các bạn sinh viên hay mắc khi làm.

- Nêu khái niệm từ các nguồn thiếu uy tín (từ điển mở, trang web doanh nghiệp, tổ chức không có chức năng nghiên cứu, thống kê, chủ yếu là đưa tin, các trang đưa tin thiếu tin cậy khác như báo chí, truyền hình, blog, mạng xã hội…).

- Khái niệm được nêu ra không có trích dẫn khoa học, không đảm bảo đúng kỹ thuật trích dẫn, style trích dẫn theo yêu cầu.

- Nêu duy nhất một khái niệm, nguyên nội dung khái niệm không có các khái niệm đối sánh quan điểm, không có phân tích khái niệm, phản biện khái niệm và chốt lại quan điểm sử dụng khái niệm.

Hình 1. Ví dụ khái niệm được nêu không có trích dẫn, không đúng kỹ thuật trích - nếu là trích trực tiếp, không có phân tích và khái niệm đối sánh, không có chốt quan điểm sử dụng khái niệm.

Vậy, một khái niệm tốt cần trình bày được như thế nào? Bạn cần trình bày được mấy vấn đề sau: 1. Bạn nên trình bày một vài quan điểm khác nhau - các quan điểm được thừa nhận nhiều, phổ biến từ các nhà nghiên cứu khác nhau theo các góc nhìn khác nhau về khái niệm đó. Điều này giúp chính bản thân nhà nghiên cứu  hiểu đa chiều về khái niệm-vấn đề mà mình đang triển khai nghiên cứu, điều này cũng cho thấy tác giả khảo cứu vấn đề kỹ càng, sâu sắc. 2. Sau khi trình bày các góc nhìn khác nhau về một khái niệm, các tác giả cần phân tích góc nhìn, đặc trưng của từng góc nhìn về khái niệm đó, mỗi góc nhìn thì đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, tác giả nên trình bày điều này. 3. Cuối cùng phần khái niệm, tác giả cần “chốt” lại được quan điểm về khái niệm mà mình sử dụng trong bài viết. Như trên nói, có nhiều góc nhìn, quan điểm khác nhau nên việc “chốt” lại quan điểm là rất quan trọng, nó có ảnh hưởng đến toàn bộ nội dung sau này mà tác giả sẽ bám vào quan điểm thống nhất đó để triển khai các nội dung tiếp theo.

Lưu ý: các khái niệm trích dẫn vào bài cần có nguồn trích uy tín, cần được nhóm các khái niệm có cùng góc nhìn, kiểu trích nên ưu tiên gián tiếp, style trích dẫn nên đảm bảo theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.

Hình 2. Cách trình bày khái niệm này đã tốt hơn ở Hình 1. Tuy nhiên, cách này với hai quan điểm “nghĩa rộng”, “nghĩa hẹp” cần trích dẫn các nghiên cứu điển hình ủng hộ cho các quan điểm  này, tác giả nên phân tích thêm hai góc nhìn này trước khi đưa ra quan điểm cuối cùng. 

Những chia sẻ trên còn có phần “mộc mạc”  nhưng hy vọng nó là gợi ý tốt cho các  bạn sinh viên khi làm bài, cụ thể là phần trình bày “khái niệm. Có gì cần trao đổi thêm đừng ngại inbox zalo 0332.771.842 nhé.

Bài viết cùng danh mục