QUY TRÌNH TRIỂN KHAI MỘT BÀI TIỂU LUẬN
QUY TRÌNH 05 BƯỚC TRIỂN KHAI 1 BÀI TIỂU LUẬN
Tiểu luận là một dạng bài tập đặc biệt, có nhiều hình thái, yêu cầu và quan niệm khác nhau giữa các trường đại học, học phần, giảng viên. Tuy nhiên, hình mẫu thông thường nhất của tiểu luận là một bài viết nhỏ nhưng tuân thủ các quy định của một sản phẩm nghiên cứu khoa học. Đề bài tiểu luận thường có từ một đến hai câu hỏi nghiên cứu, giảng viên yêu cầu sinh viên trình bày, phân tích, luận giải, luận chứng, chứng minh, liên hệ thực tế về một nhận định, vấn đề, đối tượng nào đó. Đôi khi, những bài tiểu luận có yêu cầu như một bài nghiên cứu khoa học sinh viên khi yêu cầu người học phải tiến hành hệ thống hoá cơ sở lý luận, khảo sát, đánh giá thực trạng và cuối cùng đưa ra hàm ý chính sách, giải pháp.
Dạng bài tiểu luận hoàn toàn mới và khiến cho các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất rơi vào trạng thái “hoang mang” khi chưa từng được học hoặc thậm chí chưa từng nghe thấy trước đây. Giảng viên bộ môn cũng đa phần là giao bài hoặc sinh viên tiến hành bốc đề/nhận đề kèm theo yêu cầu về thể thức chứ không có hướng dẫn chi tiết cách làm.
Sau khi tiếp nhận đề bài từ giảng viên các bạn sinh viên thường có mấy xu hướng sau: 1. Lên google tìm kiếm tên đề tài trùng lắp hoặc tương tự để làm theo, “xào xáo” thành bài mới với những bố cục “sáng tạo”. 2. Một số khác liên hệ xin bài của các anh chị khoá trên, “biến hoá” tên cơ quan, tên tác giả hoặc viết thêm một vài nội dung tạo ra sự khác biệt; 3. Hiểu như thế nào làm như thế đó không theo chuẩn tắc nào. 4. Ra quán phô tô hoặc lên các kênh mạng xã hội đề nghị mua bài (số ít). 5. Liên hệ giảng viên bộ môn để nhờ giúp đỡ, hướng dẫn cách làm (gần như không có). Điều này khiến cho các bạn không làm chủ được nội dung kiến thức, không nắm rõ cách làm và đặc biệt là khi có điểm dù thấp, dù cao cũng không có cơ sở đánh giá.
Để làm tốt các bài tiểu luận, các bạn sinh viên tham khảo cách làm sau:
Bước 1. Phân tích đề tài.
Đây là bước quan trọng giúp bạn hiểu rõ đề tài, cụ thể hiểu rõ: đối tượng nghiên cứu, khách thể nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu và nắm được các keyword quan trọng liên quan đến tên đề tài. Điều này giúp bạn không xác định sai đối tượng, hiểu rõ cần phải làm gì và tránh bị lạc đề. Bên cạnh đó, bộ keyword giúp bạn nắm được các từ khoá quan trọng để tìm kiếm thông tin liên quan, tránh lan man.
Bước 2. Tìm kiếm và đọc thông tin.
Sau khi đã hiểu rõ được đề bài, nắm được bộ keyword bạn bắt đầu search các key này trên các kênh tìm kiếm nguồn tài liệu uy tín (có thể như trang thư viện điện tử trường bạn, thư viên quốc gia hay các trang internet uy tín khoa học khác). Việc tìm được nhiều thông tin uy tín giúp cho bạn có cơ hội đọc, hiểu về vấn đề, hình thành phông kiến thức về đối tượng nghiên cứu.
Bước 3. Xây dựng bố cục dự kiến.
Tại sao gọi là dự kiến vì trong quá trình làm bạn vẫn có thể thay đối đôi chỗ nếu thấy chưa hợp lý vì nhận thức của chúng ta thay đổi dần khi chúng ta nghiên cứu càng sâu và đặc biệt là khi bắt tay vào viết bài. Việc xây dựng bố cục giúp chúng ta xem xét những nội dung dự kiến đã đáp ứng được câu hỏi, mục tiêu nghiên cứu hay chưa. Bố cục phải được xây sau khi đã tìm và tổng quan tài liệu vì chúng ta phải hiểu về vấn đề, biết mình có gì trước khi dự định đưa ra bố cục. Bố cục còn ẩn chứa những điều tuyệt vời, quan trọng và đặc biệt thể hiện bạn là người có tầm nhận thức đến đâu khi bạn kết hợp được yêu cầu của đề bài về nội dung, hình thức và các dạng bố cục nào một cách linh hoạt và hợp lý.
Bước 4. Viết bài.
Sau khi đã có bố cục, có “nguyên liệu” là các tài liệu, số liệu…bạn bắt tay vào viết những nội dung đầu tiên. Tuy nhiên, bạn nên nhớ mỗi mục như “Đặt vấn đề” hay “Lý do chọn đề tài….Bố cục bài, khái niệm….Kết luận…Danh mục tài liệu tham khảo…phụ lục” đều có những bố cục, chuẩn tắc, quy định về mặt khoa học như văn phong diễn đạt là một ví dụ mà có tới 99% sinh viên năm nhất mắc phải. Bạn có thể dễ dàng tham khảo được các nội dung này trên mạng, trên thư viện trường bạn hay bất cứ một bài viết nào NHƯNG họ trình bày có đúng không? Theo chuẩn tắc nào? Phù hợp với bài của bạn không? để trả lời được bạn cần có kiến thức và hiểu biết nhất định và giảng viên của bạn chấm nội dung bài bạn theo kiến thức, sở thích, quan điểm của họ, theo quy định của trường bạn và bạn phải hiểu những gì tôi đang nói đến là gì.
Bước 5. Hoàn thiện về mặt hình thức.
Bạn hãy nhờ rằng hình thức chiếm từ 1-2 điểm bài của bạn - nhưng đó là trên “giấy tờ” còn thực tế có đóng vai trò cực kỳ quan trọng nha. Bạn đã từng nghe câu “nhìn mặt và bắt hình dong” hay nhiều câu đại loại như vậy, ý là giảng viên hoàn toàn cho bạn ăn điểm dưới 5 hoặc thậm chí điểm 0 nếu như bài của bạn có nhiều dấu hiệu gian lận như nhiều font chữ, nhiều cỡ chữ, nhiều màu font nền hay dấu hiệu đạo văn như không trích dẫn… Các loại danh mục, mục lục thì cần được làm tự động, căn các loại lề, dãn các loại dòng hay đoạn, bôi đậm bôi nhạt, chữ to, chữ bé chỗ nào…chỗ nào thì đánh số trang bằng số La mã, chỗ nào thì Arap, đánh từ đâu tới đâu chứ không phải toàn bài nha…bạn đã thuộc hết chưa? Nếu chưa thì bạn phải học ngay nha.
Với tất cả các “nỗi lo” bạn đang có trong đầu thì bạn hoàn toàn có thể học trên mạng, thiếu đâu thì mở mạng ra tra và Google sẽ cho bạn mỗi lần tra tầm 2.000.000 kết qủa và bạn có thể đọc hết hoặc không? Nhưng tóm lại bạn cứ tra và đọc nếu muốn biết hết hoặc bạn cứ chịu khó theo dõi bài viết của tớ rồi tớ sẽ chỉ cho bạn mọi thứ chỉ trong một thời gian học tập ngắn thôi và bạn có thể tìm tớ bất cứ khi nào và ở đâu nếu bạn cần làm bài, cần giải đáp thắc mắc nha. Hãy gọi tớ là Studentcare nhé.
Tác giả: Studentcare